Close

Hội thảo " Xây dựng Kiến trúc Tổng thể CNTT và Chia sẻ kinh nghiệm triển khai KTTT tại Việt Nam"


11/02/2015
Ngày 5/2 vừa qua, Công ty Qnet kết hợp cùng đối tác và các khách hàng của mình đã tổ chức hội thảo dành cho Bộ tài chính với chủ đề " Xây dựng Kiến trúc tổng thể CNTT và Chia sẻ Kinh nghiệm triển khai Kiến trúc tổng thể (EA) tại Việt Nam".Đây là nội dung được tổ chức theo yêu cầu của Bộ tài chính nhằm tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các mô hình EA đã và đang triển khai, áp dụng thành công tại Việt Nam đồng thời trang bị kiến thức cho tổ chiến lược xây dựng EA của Bộ trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày kiến thức tổng quan về EA cũng như đưa ra khuyến nghị phương pháp, cách tiếp cận mô hình EA, khung kiến trúc nghiệm vụ... phù hợp với ngành tài chính Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, triển khai và áp dụng EA của  khách mời  là các khách hàng của QNET đến từ TP. Đà Nẵng, Tổng cục thống kê Việt Nam, Bộ thông tin truyền thông... đã mang đến cho người tham dự nhiều thông tin, kiến thức giá trị, hữu ích trong công tác lên kế hoạch xây dựng EA sắp tới của ngành tài chính. Hội thảo thu hút hơn 60 cán bộ, lãnh đạo đến từ Cục TH TKTC, KBNN, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ nhà nước,...

Hội thảo bắt đầu lúc 9:00 và kết thúc vào 17:00 cùng ngày.

Thông tin dưới đây được dẫn nguồn từ Tạp chí Tài chính điện tử - Bộ Tài Chính

Tìm giải pháp xây dựng kiến trúc tổng thể CNTT cho ngành Tài chính

Cập nhật lúc : 2:11 PM, 06/02/2015

(eFinance Online) - Hệ thống ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính đã trải qua 25 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên rất ngổn ngang, chưa nói đến việc phải đồng bộ với các chiến lược phát triển khác của ngành. Chính ví thế, việc xây dựng chiến lược, thực hiện như thế nào, công cụ thực hiện cũng như giám sát ra sao cũng là một thách thức.

Đó là khẳng định của ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính tại Hội thảo Xây dựng kiến trúc tổng thể CNTT và chia sẻ kinh nghiệm triển khai kiến trúc tổng thể tại Việt Nam do Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), Công ty Cổ phần Qnet phối hợp tổ chức.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, đã có một số đơn vị tiên phong trong phát triển kiến trúc tổng thể (EA). Trên thế giới, việc ra đời khái niệm EA đến nay đã là 28 năm, chỉ doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ là mới áp dụng EA, trong đó, nước tiên phong là Mỹ. Câu hỏi đặt ra là EA có xứng đáng để làm không? Chỉ đơn vị đã làm xong mới đưa ra được câu trả lời. Trong giai đoạn 2002 - 2006, khảo sát của tổ chức Phòng giải trình báo cáo cho Quốc hội Mỹ cho thấy, Chính phủ nước này đã chi 836 tỷ USD để làm EA.

Thực tế cho thấy các nước thường không làm EA cho hệ thống độc lập mà làm cho cơ quan có nhiều đơn vị nhỏ. Phát triển EA là công việc lớn, phức tạp bởi EA không đứng độc lập mà đi cùng chiến lược của cơ quan và nguyên tắc phát triển của cơ quan đó. EA không phải là đích mà là con đường đi, trên con đường đó, mỗi tổ chức sẽ đạt được cái đích nhất định. Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan nhà nước, việc thuyết phục cấp trên đồng ý cho đầu tư EA là rất khó, đặc biệt là cơ quan tài chính. Theo cách hiểu này, EA không dừng lại ở việc đầu tư trong một năm mà phải phát triển liên tục, điều này đòi hỏi phải có nhiều kinh phí. Thêm nữa là cần giải quyết tính cục bộ trong các cơ quan lớn và sự sẵn sàng của đội ngũ nhân lực.

“Từ những kinh nghiệm của các cơ quan đã thực hiện, việc có EA sẽ thiện sự gắn kết giữa CNTT và nghiệp vụ; cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan; tăng cường quản lý tổ chức; tăng cường sự gắn kết cơ sở hạ tầng; tăng cường hiệu quả về sử dụng tài liệu của các cơ quan. Một số lợi ích khác mà chỉ 30% cơ quan đã thực hiện đạt được đó là cải thiện lại việc sử dụng dữ liệu, giảm chi phí liên quan đến hệ thống, giảm sự phức tạp của hệ thống. Để làm ra một EA tốt phải dựa vào các yếu tố gồm: đào tạo đội ngũ nhân lực làm EA và chọn được tư vấn tốt. Trong số tiền Mỹ chi cho EA thì đa số chi phí cho tư vấn, sau đó mới đến đào tạo, mua phương pháp luận, 2% mua công cụ làm EA, đặc biệt, chi phí không nhỏ là dành cho bồi dưỡng, cải thiện đội ngũ làm EA.” 
- Ông Phạm Văn Hải cho biết thêm.

Trước thực tế này, chuyên gia tư vấn EA/Egov - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung đã gửi tới các thông tin vô cùng quý báu, đặc biệt là trong bối cảnh ngành Tài chính đang đứng trước những cơ hội và thách thức để tiến tới một nền tài chính điện tử hiện đại. Cụ thể, kiến trúc tổng thể  được coi như hoạt động chiến lược chứ không phải hoạt động CNTT, là công cụ chiến lược để tổ chức đạt được mục tiêu của mình. EA đối với một tổ chức nên nhìn dưới góc độ công việc mà tổ chức đó có thể đạt được.
 
Theo đó, EA sẽ giúp lãnh đạo  đồng bộ các mục tiêu chung thông qua bản kiến trúc; là cách để hiểu tổ chức, từ đó mới có thể lèo lái; khả năng đồng bộ được các hoạt động hướng tới mục tiêu chung thông qua kiến trúc tổng thể; khả năng thiết lập và thực hiện chiến lược tổng thể đáp ứng với các thay đổi bên ngoài thông qua kiến trúc tổng thể… Để EA thực sự trở thành chiến lược có hiệu quả cho ngành Tài chính, trước hết, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải hình dung ra hệ thống CNTT trong tương lai sẽ như thế nào, phải gắn thật sâu CNTT vào nghiệp vụ. Nếu quá chậm trong việc các hiểu nghiệp vụ của ngành thì CNTT sẽ luôn đi sau một bước. Do đó, CNTT cần phải song hành với nghiệp vụ, hoặc chậm nhất chỉ nên đi sau nửa bước. Tuy nhiên, hiểu nghiệp vụ và làm ra kiến trúc tương lai vẫn là chưa đủ bởi tương lai mỗi giai đoạn lại khác nhau và có nhiều kịch bản. Đó là việc phải làm kiến trúc tổng thể để thích nghi với sự thay đổi này.
Như vậy, với sự phức tạp và đa dạng của các nghiệp vụ tài chính, việc xây dựng kiến trúc tổng thể về CNTT của ngành Tài chính là rất khó, đòi hỏi phải có sự tư vấn từ các chuyên gia công nghệ, chuyên gia tài chính am hiểu định hướng phát triển công nghệ, phát triển hệ thống thông tin lớn trong lĩnh vực tài chính đồng thời có kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng kiến trúc tổng thể CNTT tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

(T.Hương)
Bình luận của bạn